Bữa Sáng Quan Trọng Như Nào Đối Với Người Lớn Tuổi
Bữa sáng là một phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi và lợi ích của bữa ăn đầu tiên trong ngày là rất lớn. Việc duy trì bữa sáng dinh dưỡng mỗi ngày giúp mang lại sức khỏe tốt nhất cho người lớn tuổi. Cùng tìm hiểu tầm quan trọng của bữa ăn này trong ngày nhé.
Lợi ích của bữa sáng đối với người lớn tuổi
Ngày nay, chúng ta đều nhận thấy bữa ăn sáng dường như là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày và mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe con người. Đặc biệt với những người cao tuổi, duy trì thói quen ăn uống khoa học vào bữa ăn sáng sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.
Nạp năng lượng
Sau một giấc ngủ dài, cơ thể đã tiêu hóa hết và hấp thu hết dinh dưỡng, chất đạm có trong bữa tối. Vì vậy, khi vừa thức dậy, cơ thể sẽ ở trạng thái “đói protein”. Đặc biệt đối với người cao tuổi, chức năng chuyển hóa giảm nên lượng năng lượng dự trữ thấp thì bữa sáng rất cần thiết để bù lại năng lượng, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Bữa sáng đủ chất
Khi thức dậy, lượng đường trong máu thường ở mức thấp. Trong khi cơ thể lại cần đường cho cơ và não hoạt động. Ăn sáng giúp bổ sung lượng đường này. Nếu cơ thể không nhận được nhiên liệu từ thức ăn, bạn không thể cảm thấy tràn đầy năng lượng và nhiều khả năng sẽ ăn quá mức vào cuối ngày.
Kiểm soát cân nặng
Theo các nhà nghiên cứu, ăn sáng giúp bạn tăng cảm giác no, giảm thèm ăn, nhờ đó bạn sẽ hạn chế ăn vặt mỗi ngày hoặc ăn quá nhiều vào các bữa ăn khác. Từ đó, cân nặng được kiểm soát hiệu quả. Theo viện dinh dưỡng, những người ăn sáng thường xuyên có chỉ số BMI thấp hơn so với những người không có thói quen ăn sáng.
Hạn chế nguy cơ mắc bệnh
Khi bỏ bữa sáng, cơ thể sẽ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết. Hàm lượng vitamin của các bữa ăn sau sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, dẫn đến những hậu quả bất lợi cho hoạt động của cơ thể và tinh thần trong cả một ngày dài.
Ăn sáng thường xuyên góp phần giảm trọng lượng cơ thể, nhờ đó giúp giảm nồng độ cholesterol toàn phần, LDL- Cholesterol (một loại Cholesterol không tốt đối với cơ thể), hạ huyết áp, tăng độ nhạy của insulin. Do vậy, nếu duy trì ăn sáng thường xuyên, người cao tuổi có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường….
Bảo vệ hệ tiêu hóa
Khi thức ăn được bổ sung cho cơ thể vào buổi sáng, chúng sẽ giúp hệ tiêu hóa làm việc thuận lợi hơn trong suất cả ngày. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm mà cơ thể có khả năng hấp thụ vitamin cùng các khoáng chất tốt nhất. Bạn sẽ hấp thu được tối đa các dưỡng chất nếu ăn đủ bữa sáng mỗi ngày.
Bữa sáng lành mạnh cho người lớn tuổi
Trái cây
Trái cây là món ăn được khuyến khích đối với người lớn tuổi. Trái cây chứa nhiều vitamin (A,D,E,C) và chất khoáng như kẽm, magie…giúp điều hòa các hoạt động trong cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch. Trái cây cũng là một nguồn chất chống oxi hóa mạnh, giúp chống lão hóa và phòng ngừa các căn bệnh như ung thư, tim mạch…
Người lớn tuổi nên ăn những loại trái cây mềm và dễ tiêu hóa như cam, xoài, bưởi, đu đủ, chuối… cùng với cháo yến mạch vào buổi sáng, vừa giúp thải độc lại nhẹ bụng.
Sữa
Sữa luôn là một thực phẩm cần thiết cho mọi lứa tuổi. Đối với người già sữa giúp bổ sung canxi, đạm và các axit béo tốt cho sức khỏe. 1 ly sữa ấm vào buổi sáng sẽ giúp bạn cung cấp lượng năng lượng cho cả một ngày dài.
Đối với những người lớn tuổi mắc bệnh về thận, bạn không nên uống sữa quá nhiều, vì sữa chứa nhiều đạm. Việc chuyển hóa đạm trong cơ thể sẽ tạo ra nhiều chất độc hại, các chất này được lọc qua thận, gây quá tải và tổn thương thận. Một lưu ý nữa là người già nên chọn sữa có nguồn gốc thực vật thay vì động vật. Tốt nhất, bạn nên chọn những loại sữa hạt tươi, không đường, không chất bảo quản.
Yến mạch
Một thực phẩm có thể thay thế gạo trắng đó là yến mạch. Trong yến mạch có chứa cacbon, protein, vitamin (vitamin A, D), chất khoáng (sắt, kẽm, magie…) và các axit béo không no. Bên cạnh đó, chúng cũng chứa rất nhiều chất xơ hòa tan tốt cho hệ tiêu hóa người lớn tuổi.
Sữa kết hợp với yến mạch
Việc chúng ta thường xuyên ăn yến mạch giúp cơ thể phòng tránh được nhiều căn bệnh người cao tuổi như tim mạch, huyết áp, dạ dày. Với phụ nữ ngăn ngừa nguy cơ béo phì, sự lão hóa của da…Bạn có thể ăn yến mạch trực tiếp, ăn cùng ngũ cốc, sữa hoặc nấu cháo. Những cách này đều giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng và tốt cho cơ thể.
Kết luận
Có thể thấy, bữa sáng rất quan trọng đối với sức khỏe người lớn tuổi. Bạn không cần phải ăn quá no hay quá thịnh soạn cho bữa sáng, thay vào đó là ăn một món nhẹ nhàng trong vòng một giờ sau khi thức dậy. Đừng bỏ qua bữa sáng quan trọng này nhé!